Năm 1997, Mancini đã 33 tuổi – độ tuổi hoàng hôn của sự nghiệp cầu thủ. Nhưng Eriksson vẫn một mực đòi kéo học trò cưng sang Lazio, không chỉ bởi kinh nghiệm, tuyệt kỹ đánh gót ghi bàn điệu nghệ hay tính khí nóng nảy. Ông còn nhìn thấy ở Mancini một hình mẫu “đại ca” có khả năng thúc đẩy đồng đội tiến bộ lên đẳng cấp tương tự. Nếu có bất kỳ ai trong đội làm Mancini thất vọng, vị “đại ca” này sẽ không tha thứ cho người đó.

“Nếu bạn không làm chính xác những gì bạn phải làm trên sân – phòng ngự, tấn công, Mancini sẽ nổi điên ngay”, Eriksson kể tiếp về cậu học trò cưng – người bây giờ là HLV trưởng tuyển Italy. “Và với các trọng tài, khi đối mặt, đừng mong cậu ta hành xử kiểu quý ông. Không hề nhé. Nên đôi khi, tôi phải rút Mancini khỏi sân, nếu không thì các trọng tài cũng đuổi cậu ấy. Nhưng cũng có khi tôi chần chừ hơi lâu, và các trọng tài đã thay tôi làm việc đó”.

“Nhưng tôi thấy ở Mancini bóng dáng một nhà vô địch, một người giàu nghĩa khí và hào sảng. Khi tôi nói tới sự hào sảng, đó không chỉ là việc cậu ta từng mời toàn bộ cầu thủ Sampdoria tới nhà ăn tối mỗi tuần một lần, bao trọn gói. Mancini còn muốn cả đội cùng chơi tốt, cùng chiến thắng, và cậu ta sẵn sàng làm tất cả vì điều đó. Mancini cũng là một đại ca trong phòng thay đồ. Tôi tin chắc rằng ngay cả khi đã về nhà sau các buổi tập, Mancini cũng không thể rũ bỏ những ý nghĩ về công việc. Cậu ta luôn nghĩ về bóng đá”, cựu HLV Lazio nói thêm.

Mihajlovic cũng gần tương tự. “Nếu hôm nay bạn hỏi Sinisa rằng liệu cậu ta có thể chơi ở Serie A nữa hay không, câu trả lời sẽ là ‘Có’. Tôi tin chắc luôn. Sinisa từng nghĩ cậu ta nhanh nhất ở Serie A, cái thời còn làm việc với tôi ấy”, Eriksson kể. “Và khi tôi bảo cậu ta không nhanh đâu, Sinisa luôn vặc lại: ‘Nhưng có đứa nào vượt qua được em đâu, sếp’. Cậu ta rất thông minh, và sở hữu kèo trái tuyệt hảo, hơn hẳn mọi cầu thủ khác. Tôi thật may mắn có một học trò như thế. Tôi từng huấn luyện một Mihajlovic có kèo trái kiệt xuất, và một Beckham có kèo phải siêu phàm. Sinisa không chỉ lợi hại ở các quả đá phạt trực tiếp hay phạt góc, mà còn là một nhà vô địch thực thụ, luôn xem về nhì là vô nghĩa. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với cậu ta”.

Ông kể tiếp: “Sau khi tôi tới Sampdoria, Sinisa cũng nhập đội theo diện cho mượn từ Roma, với danh nghĩa một cầu thủ chạy cánh. Sau một thời gian, tôi gọi cậu ta ra và bảo: ‘Sinisa này, cậu không phải là một cầu thủ chạy cánh, cũng chả phải một tiền đạo, cậu là một hậu vệ’. ‘Không, chắc chắn không phải đâu, sếp’, cậu ta đáp. Gã này bướng bỉnh thật sự luôn. Thế rồi tôi cũng thuyết phục được Sinisa lùi về đá hậu vệ trái. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra cậu ta không đủ nhanh ở vị trí đó. Tôi nghĩ đến việc xếp Sinisa đá trung vệ, chơi cặp với Pietro Vierchowod thì phải. Cậu ta phản ứng ngay: ‘Không có đâu nha, sếp. Đá hậu vệ trái là quá đáng lắm với em rồi đấy’ . Nhưng rồi một cầu thủ bóng đá nào đó chấn thương, và trong trận đấu, ai đó khác bị đuổi, thế là tôi ra lệnh cho Sinisa: ‘Giờ cậu đá trung vệ, không bàn nữa’. Và từ đó, cậu ta đá luôn trung vệ”.

By

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *